I. Vị trí, chức năng của Bảo tàng tỉnh
1. Bảo tàng tỉnh là đơn vị sự nghiệp công tập trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Chịu sự chỉ đạo, quản lý của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi tắt là Giám đốc Sở), đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Bảo tàng tỉnh có chức năng nghiên cứu và giáo dục khoa học thông qua hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phù hợp với loại hình, tính chất và nội dung của bảo tàng tổng hợp. Trực tiếp quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh được Giám đốc Sở giao; hướng dẫn nghiệp vụ bảo tàng đối với các Nhà truyền thống trên địa bàn tỉnh, bảo đảm sự thống nhất quản lý nhà nước của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
II. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo tàng tỉnh
1. Lĩnh vực hoạt động bảo tàng:
a) Thành lập Hội đồng khoa học của Bảo tàng;
b) Tổ chức sưu tầm, kiểm kê khoa học, tiếp nhận, mua trao đổi, đăng ký quản lý, bảo quản các hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
c) Tổ chức trưng bày, triển lãm hình ảnh lịch sử, hiện vật theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị;
d) Tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ xã hội;
đ) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác bảo tồn, bảo tàng;
e) Quản lý cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật;
g) Liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật;
h) Bảo tàng được tham gia là thành viên của tổ chức nghề nghiệp quốc tế có liên quan theo quy định của pháp luật;
i) Tham mưu đề xuất, thực hiện khảo sát điền dã các di chỉ văn hóa Óc eo và khai quật khảo cổ;
k) Hướng dẫn nghiệp vụ cho các Nhà truyền thống huyện, thị, thành phố thuộc hệ thống bảo tàng và có trách nhiệm giúp đỡ chuyên môn thuộc nội dung và loại hình của bảo tàng, kiểm tra về thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn;
l) Nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, dự án, đề án và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa;
m) Tổ chức thực hiện quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương sau khi được phê duyệt;
n) Tổ chức trưng bày, chỉnh lý nhà trưng bày bảo tàng và các di tích lịch sử.
2. Lĩnh vực hoạt động bảo tồn:
a) Nghiên cứu sưu tầm, tiếp nhận các hiện vật, tài liệu có liên quan bổ sung vào di tích; kiểm kê, bảo quản các hiện vật, tài liệu, hình ảnh trưng bày tại di tích để phát huy giá trị lịch sử;
b) Tổ chức thực hiện kiểm kê di tích phổ thông, nghiên cứu, phân loại, lập hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh thuộc địa bàn tỉnh;
c) Tham mưu đề xuất dự án tu bổ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh; xây dựng các công trình nằm ngoài khu vực bảo vệ có khả năng ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích;
d) Tạo điều kiện và phục vụ các đối tượng đến tham quan, học tập, sinh hoạt tại các Di tích lịch sử, bảo tàng. Tổ chức bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho bảo tàng và các di tích lịch sử cho khách tham quan;
đ) Tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng.
e) Trực tiếp quản lý, giữ gìn, chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh.
3. Lĩnh vực phát huy di sản văn hóa phi vật thể:
a) Tổ chức kiểm kê, phát hiện, thống kê, phân loại và lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể thuộc địa bàn tỉnh đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;
b) Lựa chọn đề xuất xét phong tặng danh hiệu vinh dự cho cá nhân, tập thể có công gìn giữ, trình diễn và truyền dạy nghề di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh;
c) Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin lưu trữ bảo quản hồ sơ khoa học di sản văn hóa.
4. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở phân công theo quy định.
III. Về cơ cấu tổ chức và biên chế Bảo tàng tỉnh
1. Về cơ cấu tổ chức
a) Lãnh đạo đơn vị:
- Bảo tàng tỉnh gồm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
- Giám đốc là người đứng đầu Bảo tàng tỉnh, làm việc theo chế độ thủ trưởng, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Giám đốc có trách nhiệm xây dựng và ban hành quy chế làm việc của đơn vị; phân công nhiệm vụ, bố trí viên chức theo cơ cấu, chức danh, vị trí việc làm và tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định;
- Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc chỉ đạo một số lĩnh vực công tác được Giám đốc phân công, chịu trách nhiệm trước Giám đốc về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy nhiệm điều hành các hoạt động của đơn vị.
b) Viên chức
Viên chức của Bảo tàng tỉnh bao gồm viên chức hoạt động nghề nghiệp và viên chức hỗ trợ phục vụ. Viên chức có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo chức danh nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Về biên chế
Biên chế Bảo tàng tỉnh là biên chế sự nghiệp do Giám đốc Sở phân bổ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.