Xem chi tiết tin (mới) - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

 

Chỉ số IIP tăng 4,8% - ngành Công Thương vững vàng cùng đất nước vượt qua dịch Covid-19

Ngày 10-01-2022

Ngày 09/01, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương.

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và doanh nghiệp.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang

Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang có đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đồng chí Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Năm 2021, ngành Công Thương đã vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,8%. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (3,36%) và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,58%). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 336,25 tỷ USD, tăng 19%, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 4-5%) và tăng cao, ổn định ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực.

Năm 2021, Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đã ghi dấu mốc “lần đầu tiên” với một chuỗi các sự kiện, hoạt động đột phá cho doanh nghiệp Việt trong tổ chức phân phối trên TMĐT thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, nhanh chóng chuyển đổi phương thức xúc tiến thương mại trên môi trường số, với 1.000 hội nghị kết nối cung cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại để bán hàng và xuất khẩu. Kết quả doanh thu từ TMĐT đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Công Thương đã kịp thời đánh giá đúng tình hình, sớm thành lập “Ban chỉ đạo tiền phương” tổ chức lực lượng cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các “Tổ công tác đặc biệt” để kịp thời hỗ trợ, duy trì sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đã kịp thời đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam giảm giá điện, giảm tiền điện trong 5 đợt, với số tiền gần 17.000 tỷ đồng cho các đối tượng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Hoàn thành chỉ tiêu khai thác 7,99 triệu tấn dầu trước thời hạn 42 ngày; xuất nhập khẩu vượt kỷ luật, đạt gần 670 tỷ USD, tăng gần 23% so với năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; lần đầu tiên Việt Nam có Chiến lược tổng thể phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; công tác phòng vệ thương mại triển khai hiệu quả đã thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng và bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước…

Bên cạnh kết quả đạt được, trong phát triển ngành Công Thương vẫn còn những tồn tại, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,9% với tỷ lệ tồn kho ở mức 79,1%. Dịch bệnh covid-19 cũng đã làm gián đoạn nguồn cung cho sản xuất trong nước ở một số thời điểm và làm tăng giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất; chi phí vận chuyển, logistics tăng đồng thời phát sinh thêm chi phí phòng, chống dịch bệnh khiến cho hoạt động của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất, giảm đơn hàng, thiếu hụt lao động, doanh thu giảm mạnh. Giá trị gia tăng trong xuất khẩu chưa được như mong muốn… Năm 2022, ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 7-8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 6-8%. Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 7-8% so với năm 2021… đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…

Tại Hậu Giang, cùng với cả nước Tỉnh chủ động tháo gỡ khó khăn trong duy trì sản xuất công nghiệp trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Nhờ vậy, kết quả chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Hậu Giang tăng 5,75%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ sử dụng và doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch lữ hành tăng 4,43%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,69%. Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,75%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 969 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu 611 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu 358 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ, đạt 126,95% kế hoạch.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đề nghị ngành Công Thương trong năm 2022 tiếp tục nghiên cứu quán triệt và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bám sát tình hình trong nước, quốc tế thúc đẩy xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, lâu dài, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai các hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ…

An Nhiên


Đang online: 2
Hôm nay: 3390
Đã truy cập: 3442645
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.