Xem chi tiết tin (mới) - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

 

Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển”

Ngày 17-03-2023

 

Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển". Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ông Nguyễn Văn Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và các hiệp hội, doanh nghiệp về du lịch, các hãng hàng không. Tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ông Đồng Văn Thanh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Y tế, Công Thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đài Phat thanh và Truyền hình Hậu Giang, Báo Hậu Giang và đại diện một số doanh nghiệp du lịch: Công ty TNHH đầu tư và quản lý khách sạn TNH (Khách sạn SOJO), Quán Tân Hậu Giang, Công ty TNHH HTC Hậu Giang (Khách sạn Hậu Giang), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ L.A.Q.

                      

Quang cảnh dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Hậu Giang

Mở đầu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề "Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" và điều hành Hội nghị. Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam trước và sau đại dịch Covid-19, giải pháp đột phá thời gian tới. Đồng thời, điều hành các vấn đề cần thảo luận tại Hội nghị.

 Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam ông Vũ Thế Bình đánh giá cao, nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng chương trình đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch. Trước năm 2019, ngành có khoảng 40.000 doanh nghiệp với 1,5 triệu lao động trực tiếp và 2,5 triệu lao động gián tiếp, lực lượng rất lớn. Cho nên, tất cả mọi người đang chờ đợi vào những quyết tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho sự phục hồi. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cam kết sẽ vận động các doanh nghiệp cả nước tích cực triển khai chương trình phục hồi du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, các đại biểu là đại diện các Tập đoàn, các địa phương tham gia phát biểu. Nổi bật là đại diện Sun Group đưa ra 2 đề xuất: Thứ nhất, các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh. Giải pháp thứ 2, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm; Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đề nghị cho cơ chế giao đất để đầu tư, đấu giá để xây dựng nhiều khách sạn cần có cơ chế đặc biệt, đặc thù. Ông Nguyễn Minh Chung cho rằng, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI- trí tuệ nhân tạo vào kinh doanh, dịch vụ lữ hành, giảm giá thành; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và Lâm Đồng đã có những kiến nghị, đề xuất để Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch phục hồi và phát triển nhanh;…

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường kiến nghị cần có đột phá về chính sách visa.

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách. Phát triển du lịch là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam; phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chú trọng vừa phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, vừa có tính đặc sắc, riêng có, chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn; đa dạng hóa các phân khúc, vừa phát triển loại hình du lịch bình dân, phổ thông, đại chúng, giá rẻ cùng với loại hình du lịch đơn lẻ, đặc biệt sang trọng dành cho đối tượng thu nhập cao. Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả liên kết hình thành chuỗi giá trị du lịch; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ. Phát triển du lịch trong giai đoạn mới phải chú trọng tính chuyên nghiệp, hiện đại, theo chuẩn mực quốc tế nhưng cũng đa dạng, độc đáo, riêng có; kiên định mục tiêu nhưng phải hết sức linh hoạt, thích ứng, đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về du lịch, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế.

Tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của Việt Nam.

Đẩy mạnh chuyển đổi số; hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam. Tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu; đa dạng hóa hình thức đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp, thu hút các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới tham gia đào tạo nhân lực du lịch.

Sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng./.

                                                                                                     Trà My


Đang online: 1
Hôm nay: 4405
Đã truy cập: 3494380
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.