Ngoài ra, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh còn phấn đấu giữ vững 80% trở lên hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 90% ấp, khu vực trở lên đạt danh hiệu “Ấp, Khu vực văn hóa” và 80% cơ quan, đơn vị trở lên đạt danh hiệu “Cơ quan, Đơn vị đạt chuẩn văn hóa” trong năm 2023.
Trong năm 2022, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp nhịp nhàng và đầy trách nhiệm của các ngành là thành viên BCĐ; sự đồng lòng hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và sự nỗ lực không mệt mõi của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan thường trực BCĐ các cấp. Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục có bước phát triển, thổi luồng gió mới, sức sống mới và tạo hiệu ứng lan tỏa rộng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - văn hóa xã hội – quốc phòng an ninh, từng bước xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh. Mục tiêu cốt lõi của Phong trào là chăm lo cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn, kể cả vật chất lẫn tinh thần; từng bước xây dựng hoàn thiện các công trình phục vụ đời sống dân sinh; nâng cao chất lượng hoạt động và điều hành của các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn; làm cho cảnh quan, môi trường ở từng hộ gia đình, từng cộng đồng dân cư sạch và đẹp hơn; hình thành nếp sống và cách cư xử văn minh trong từng gia đình, hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở địa phương; động viên người dân nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống v.v… Chính vì mục tiêu hết sức thiết thực như vậy, nên các tầng lớp nhân dân đã cùng với BCĐ tổ chức thực hiện Phong trào một cách sôi nổi, tự giác, đầy quyết tâm, thực sự trở thành 01 phong trào thi đua rộng lớn và đã mang lại nhiều thành tích đáng ghi nhận, đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với quan điểm “Không vì chạy theo thành tích mà hạ thấp chất lượng”, các danh hiệu do Phong trào đề ra luôn được bình xét và công nhận hết sức dân chủ, khách quan, đúng tiêu chuẩn. Từ đó, các danh hiệu đạt được luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hết sức trân trọng, luôn phấn đấu để đạt được hoặc giữ vững với chất lượng ngày một nâng lên. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có: 184.161/198.134 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm tỷ lệ 92,94%, trong đó có 12.336 Gia đình văn hóa tiêu biểu; 63.106/751.426 người đạt danh hiệu “Người tốt việc tốt”, chiếm tỷ lệ 8,39%, trong đó có 5.237 Người tốt việc tốt tiêu biểu; 519/525 ấp, khu vực đạt danh hiệu “Ấp, Khu vực văn hóa”, chiếm tỷ lệ 98,85%; 37/51 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, chiếm tỷ lệ 72,54% và 22/24 phường, thị trấn đạt danh hiệu “Phường, Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, chiếm tỷ lệ 91,66%.
01 ấp giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” nhiều năm liền
Những kết quả đạt được từ Phong trào trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong năm 2022 không chỉ đánh dấu sự chuyển biến tích cực về ý thức của cộng đồng dân cư, mà còn tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, từng bước xây dựng và vun đắp cho một vùng quê ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn, hiện đại hơn góp phần thực hiện thắng lợi các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”./.
Quang Bình