Từ khi tái lập tỉnh Hậu Giang vào đầu năm 2004 đến nay, Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh không ngừngphát triển, là 1 trong những phong trào thi đua rộng lớn, thu hút toàn xã hội và cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện một cách tự giác và thường xuyên. Từ những kết quả đạt được của Phong trào đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - văn hóa xã hội – an ninh quốc phòng của tỉnh, từng bước xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng giàu đẹp, tiến bộ và văn minh.
Phong trào đã đề ra nhiều danh hiệu văn hóa để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức, xã hội … cùng phấn đấu đạt được, nhằm hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Các tiêu chuẩn của từng danh hiệu văn hóa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang quy định hết sức cụ thể thông qua Quy chế công nhận các danh hiệu văn hóa của Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn toàn tỉnh và từ năm 2004 đến nay đã có 2 Quy chế được ban hành. Theo đó, Quy chế thứ 2 được UBND tỉnh Hậu Giang ban hành và chính thức có hiệu lực vào ngày 30 tháng 12 năm 2013, thay thế cho Quy chế đầu tiên. Quy chế này quy định Phong trào TDĐKXDĐSVH ngoài việc giữ nguyên 1 số danh hiệu văn hóa, còn bổ sung và đổi tên 1 số danh hiệu văn hóa có tính đại chúng so với Quy chế đầu tiên. Tất cả các danh hiệu văn hóa của Phong trào đang được triển khai thực hiện bao gồm: Người tốt việc tốt, Gia đình văn hóa, Phòng trọ - Nhà nghỉ văn hóa, Thương nhân văn hóa – Hộ thương nhân văn hóa, Chợ văn minh, Công viên cây xanh văn hóa, Bến xe – tàu văn minh, Cơ sở thờ tự có đời sống văn hóa, Cơ quan – Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, Đơn vị văn hóa – gương mẫu chấp hành điều lệnh Công an nhân dân, Đơn vị có môi trường văn hóa, Trường học thân thiện – học sinh tích cực, Xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, Ấp – Khu vực văn hóa, Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và Phường – Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Để thực hiện thắng lợi các danh hiệu do Phong trào đề ra, Ban Chỉ đạo các cấp trên địa bàn tỉnh luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó cán bộ, đảng viên phải là những người đi đầu và thực hiện có hiệu quả nhất các danh hiệu văn hóa của Phong trào, từ đó mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong các tầng lớp nhân dân để họ hiểu và tự giác làm theo. Nhờ vậy mà Phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn tỉnh luôn phát triển bền vững và ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước hạn chế được tình trạng hình thức, qua loa, chiếu lệ, không thực chất.
Tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có: 47.484 người được công nhận danh hiệu “Người tốt việc tốt”, chiếm 5,73% dân số; 177.642 hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, chiếm 92,40% tổng số hộ; 498 ấp, khu vực được công nhận danh hiệu “Ấp, Khu vực văn hóa”, chiếm 95,2% tổng số ấp, khu vực; 8 xã được công nhận danh hiệu “Xã văn hóa nông thôn mới”, chiếm 14,81% tổng số xã; 2phường, thị trấn được công nhận danh hiệu “Phường, Thị trấn văn minh đô thị”, chiếm 10% tổng số phường, thị trấn; 34 chợ được công nhận danh hiệu “Chợ văn minh”; trên 90% cơ quan đạt chuẩn văn hóa; 331/336trường được công nhận danh hiệu “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”; 7 tổ nhân dân tự quản đạt danh hiệu “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu” .v.v…
Thông qua các tiêu chuẩn của từng danh hiệu văn hóa, chúng ta có thể khẳng định rằng “tất cả” đều hướng tới 3 mục tiêu lớn, đó là: từng bước nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho các tầng lớp nhân dân; phát triển cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội và giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Thành tích của Phong trào trong những năm qua đã góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong năm 2014 lên31,3 triệu đồng; có 22.621 lao động được giải quyết việc làm mới, đạt 102,82% kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm lần lượt còn 8,4% và 7,1%. Đời sống kinh tế ngày càng được cải thiện ngoài sự nỗ lực tự vươn lên của người dân, còn có sự hỗ trợ không nhỏ thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.
Những năm qua, các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp và được duy trì thường xuyên với chất lượng ngày 1 nâng lên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân. Tính đến nay, toàn tỉnh có hàng ngàn CLB văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao; số hộ gia đình thể thao chiếm 19,95% tổng số hộ; số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên lên đến 216.653 người, chiếm 27,8% dân số. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vui chơi giải trí, nhiều nhà văn hóa – khu thể thao ấp, khu vực; trung tâm văn hóa – thể thao và học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn và các sân bãi tập luyện thể dục thể thao được xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. 1 người dân ở huyện Châu Thành cho biết “Nhờ sự đi lên của phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao mà đời sống tinh thần của tôi và gia đình tôi có them niềm vui vẻ, phấn khởi hẳn lên, từ đó giúp cho việc giải quyết công việc hằng ngày hiệu quả hơn, gia đình càng trở nên đầm ấm và hạnh phúc hơn. Sau những giờ lao động, tôi thường tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ hoặc thể thao của ấp, qua đó tình làng nghĩa xóm luôn ngày thêm bền chặt”.
Không những vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sạch … cũng có bước tiến đáng ghi nhận và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng bằng cách hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, tiền của và ngày công lao động. Tính đến nay, toàn tỉnh có: 96% hộ sử dụng điện an toàn; hệ thống giao thông, nhất là ở nông thôn đảm bảo đi lại được dễ dàng trong 2 mùa mưa nắng; mạng lưới trường học được phủ kín, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của các em học sinh, trong đó có 134 trường đạt chuẩn Quốc gia; mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và tính đến cuối năm 2014 có 37 Trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia, tăng 18 Trạm so với năm 2013; các công trình nước sạch luôn được quan tâm đầu tư xây dựng và nâng cấp, phục vụ tốt nhu cầu nước sạch sinh hoạt hằng ngày của cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, Phong trào TDĐKXDĐSVHcũng đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện thắng lợi phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc những năm qua. Hằng năm, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an hàng trăm nguồn tin tố giác tội phạm, giúp ngành công an khám phá và xử lý nhiều vụ việc vi phạm pháp luật. Ngành công an còn thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm nhằm phòng ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội có thể xảy ra đến mức thấp nhất. Các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng được tăng cường, góp phần kiềm chế và giảm thiệt hại từ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Nhiều mô hình giữ gìn an ninh trật tự được xây dựng và nhân rộng, nhiều cách làm hay tiếp tục được phát huy, tất cả hướng đến mục tiêu “Vì sự bình yên của quê hương, đất nước”. Từ đó, người dân hết sức phẩn khởi, yên tâm lao động sản xuất, từng bước làm giàu cho gia đình và xã hội.
Không thỏa mãn với thành tích đạt được, thời gian tới, BCĐ Phong trào TDĐKXDĐSVH các cấp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang tiếp tục nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện các danh hiệu văn hóa do Phong trào đề ra, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, góp phần làm cho tỉnh nhà ổn định về chính trị, giàu về kinh tế, vững mạnh về an ninh quốc phòng và văn minh trong cuộc sống. Những kết quả đó sẽ là tiền đề vững chắc để tỉnh Hậu Giang tiếp bước hướng tới mục tiêu thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo; đồng thời lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng./.
Quang Bình