Xem chi tiết tin (mới) - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

 

Một số mục tiêu nhiệm vụ chuyển đổi số ngành VHTTDL năm 2025

Ngày 13-01-2025

ảnh minh họa

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một chặng đường với đột phá của các công nghệ số dẫn đến sự thông minh hóa mọi mặt của xã hội. Chuyển đổi số hiện đang là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chuyển đổi số chính là cách đi trong chặng đường phát triển thời CMCN 4.0, và là cơ hội vô giá để phát triển đất nước.

Chuyển đổi số (Digital Transformation) là khái niệm ra đời trong thời đại internet bùng nổ, đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây, mô tả việc ứng dụng công nghệ số (digitalize) vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nếu đạt hiệu quả, hoạt động này sẽ thay đổi toàn diện (transformation) cách thức mà một chủ thể hoạt động, tăng hiệu quả hợp tác, tối ưu hóa hiệu suất làm việc và mang lại giá trị cho đối tượng thụ hưởng. Chuyển đổi số thay đổi cách thức làm việc từ thủ công như ghi chép sách vở truyền thống, hội họp trực tiếp sang ứng dụng công nghệ phần mềm để giảm thiểu nhân sự lao động. Ngoài ra, chuyển đổi số đóng vai trò rất lớn trong công tác quản lý nhà nước, phương thức làm việc của từng công chức, viên chức...

Để góp phần chung vào công cuộc chuyển đổi số năm 2025, Sở VHTTDL đã ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số nhằm xây dựng mục tiêu nhiệm vụ để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra.

* Mục tiêu:

1. Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho công chức, viên chức, người lao động. Ứng dụng nền tảng số góp phần phục vụ và xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị; phục vụ người dân và doanh nghiệp.

2. Triển khai hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành du lịch, bảo đảm an toàn thông tin.

3. Kết nối chia sẻ dữ liệu qua cổng dữ liệu mở; Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của ngành.

4. Duy trì và nâng cao thứ hạng chuyển đổi số của ngành đối với bộ tiêu chí chuyển đổi số (DTI) của tỉnh.

5. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS).

6. Đảm bảo an toàn thông tin trên các nền tảng số; bảo vệ thông tin cá nhân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

* Nhiệm vụ

1. Nhận thức số

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về chuyển đổi số đến từng công chức, viên chức và người lao động bằng nhiều hình thức như: Văn bản chỉ đạo hoặc lồng ghép vào các cuộc họp, sinh hoạt chuyên đề, hội nghị...

Xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên trang thông tin điện tử Sở; khuyến khích các đơn vị có mô hình, sáng kiến trong công tác chuyển đổi số, Ưu tiên đăng tải kịp thời các bài viết về chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực.  

Cử công chức, viên chức và người lao động tham gia đầy đủ các lớp đào tạo/bồi dưỡng/tập huấn về chuyển đổi số do cơ quan chuyên trách triển khai.

- Tham gia các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số của tỉnh, Quốc gia.

2. Thể chế số

- Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên nhằm kịp thời cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao.

- Xây dựng Kế hoạch dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của ngành và bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số hàng năm tỉnh để làm mục tiêu thực hiện.

3. Hạ tầng kỹ thuật

- Trang bị và nâng cấp các trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu vận hành các phần mềm dùng chung của tỉnh cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của đơn vị. Tỷ lệ máy tính được trang bị cho công chức đảm bảo 1 người/máy, 100% được kết nối Internet mạng nội bộ (LAN); 100% máy tính của công chức thuộc Sở được cài đặt phần mềm chống mã độc (CMC). Triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) tại Sở.

- Bố trí 01 máy tính và 01 máy in dành riêng soạn văn bản mật.

- Đối với các đơn vị có server phải thực đầy đủ hồ sơ cấp độ đảm bảo vận hành thường xuyên, liên tục.

4. Dữ liệu số

- Tiếp tục thực hiện các ứng dụng chuyển đổi số ngành Du lịch theo Nghị quyết số 51/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch 213/KH-UBND ngày 22/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 11 tháng 10 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang về Triển khai thực hiện “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đồng thời, Phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất chủ trương thực hiện đề án số hóa lĩnh vực Bảo tàng tỉnh cho những năm tiếp theo.

- Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; 100% công chức, viên chức hoàn thiện việc đăng ký mã định danh điện tử mức 2 và có ký số công cộng.

- Ứng dụng tốt kho dữ liệu điện tử trực tuyến của người dân, tổ chức đảm bảo tái sử dụng tài liệu số hóa hồ sơ, giấy tờ trong Kho dữ liệu điện tử của đơn vị trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.

5. Nguồn nhân lực

- 100% công chức, viên chức được phân công phụ trách công nghệ thông tin tại đơn vị, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin được tham gia đầy đủ các khóa đào tạo, tập huấn, kỹ năng về an toàn thông tin.

- Tham gia các hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số nhằm trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

6. An toàn thông tin mạng

- Thực hiện tốt Quy chế đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của Sở VHTTDL tỉnh Hậu Giang, thường xuyên rà soát, cập nhật bổ sung quy chế phù hợp với thực tiễn;

- Hệ thống thông tin của đơn vị được xác định cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin đúng quy định.

- 100% máy tính công chức, viên chức và người lao động của đơn vị được trang bị phần mềm duyệt virut chống truy cập trái phép.

7. Ứng dụng công nghệ thông tin

- Đảm bảo 90% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trực tuyến.

- Thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến toàn trình và một phần đạt 80%/Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị. Được tích hợp và cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết TTHC đúng và trước hạn trên 95%/tổng số hồ sơ thủ tục được tiếp nhận được số hóa trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.

- 95% dịch vụ công được người dân, doanh nghiệp đánh giá rất hài lòng.

- Đối với các hồ sơ thủ tục có thu phí được triển khai thanh toán trực tuyến. Đảm bảo các thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ (thuộc thủ tục hành chính có thu phí) phải được thanh toán trực tuyến.

- Ứng dụng tốt các phần mềm dùng chung của tỉnh đã triển khai. Đồng thời, duy trì và tiếp tục ứng dụng các phần mềm chuyên ngành của đơn vị.

- Tiếp tục triển khai và ứng dụng các nền tảng số về du lịch.

- 100% đơn vị đảm bảo việc lập hồ sơ công việc và lưu trữ hồ sơ trên phần mềm văn bản.

- Trang thông tin điện tử đảm bảo cung cấp các thông tin tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công khai các văn bản chỉ đạo điều hành, tình hình hoạt động của ngành. Triển khai các quy trình, thủ tục về dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần đối với các dịch vụ công thuộc phạm vi xử lý của ngành giúp người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ thông qua phần mềm được thuận lợi hơn.

- Duy trì, nâng cấp hệ thống camera giám sát an ninh tại đơn vị, triển khai thực hiện mô hình “Tăng cường an ninh trật tự qua hệ thống Camera giám sát” tại đơn vị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang./.

                                                                 Văn phòng


Đang online: 1
Hôm nay: 201
Đã truy cập: 5442389
Bạn chưa có đủ quyền truy nhập portlet này.